Từ tháng 6 năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Kết luận số 361-KL/TU về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phát triển ít nhất 3 cụm công nghiệp (CCN) chuyên dành cho chế biến nông sản (chế biến hạt điều, trái cây,...) và chế biến gỗ (sản phẩm gỗ nội - ngoại thất, sản phẩm viên nén gỗ,...) vừa là mục tiêu vừa là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với xuất khẩu hiệu quả và bền vững. Từ góc độ xuất khẩu nông, lâm sản của địa phương trong tình hình mới hiện nay thì mục tiêu này khẳng định cơ hội mới cho đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực trồng, chế biến và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Xu hướng quản lý nhập khẩu nông, lâm sản của các nước cũng như nhu cầu nhập khẩu của những sản phẩm có liên quan từ những nhà nhập khẩu tại chính quốc đã khẳng định mục tiêu này là cấp bách cần phải giải quyết để phục vụ nỗ lực xuất khẩu nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của Sở Công Thương tỉnh Bình Phước trong tình hình mới
Bình Phước đã phát triển mạnh mẽ với chế biến hạt điều xuất khẩu và giữ vị trí đứng đầu của cả nước về sản lượng thu hoạch và chế biến hạt điều. Bình Phước cũng phát triển mạnh ngành chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu. Cả hai khu vực này đóng góp đặc biệt cho địa phương về việc làm, thu nhập và triển vọng xuất khẩu. Giai đoạn sau năm 2022, chế biến các sản phẩm từ cây điều và sản phẩm gỗ xuất khẩu bước vào tầm cao mới trong khi chế biến trái cây sớm gia nhập thị trường. Tất cả đòi hỏi phải hoàn thiện chuỗi giá trị xuất khẩu hiện đại xuyên suốt từ vùng trồng đến kênh phân phối trong và ngoài nước, năng lực quản lý chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm, khả năng đóng góp bền vững cho phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường. Các tiêu chuẩn, yêu cầu, điều kiện mà các quốc gia nhập khẩu tiềm năng của tỉnh Bình Phước đặt ra không hoàn toàn giống nhau nhưng gián tiếp khẳng định một đòi hỏi tiên quyết rằng: Mục tiêu của Bình Phước trong việc phát triển các khu vực chế biến nông, lâm sản đến năm 2030 và những năm tiếp theo có hiệu lực và hiệu quả dựa vào chính công cụ quản lý nhà nước của địa phương đó là quy hoạch vùng trồng cụ thể gắn với ít nhất 3 CCN chuyên dành cho chế biến nông sản (chế biến hạt điều, trái cây,...) và chế biến gỗ (sản phẩm gỗ nội - ngoại thất, sản phẩm viên nén gỗ,...), bổ trợ cho những nỗ lực này là hàng loạt các kết luận có liên quan của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước vừa ban hành.
Trong lúc ngành điều và ngành gỗ cả nước đang gặp không ít khó khăn, sẽ rất khó để nhận ra sự tương quan giữa việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển khu vực này với nhu cầu hình thành CCN chuyên ngành trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tư nhân đầu tư trên địa bàn tỉnh và các nhà nhập khẩu nước ngoài thuộc khu vực này đã bắt đầu thấy rõ việc tái cấu trúc các phân ngành chế biến trên địa bàn cần thiết phải tập trung vào các khu công nghiệp tập trung nhưng CCN chuyên ngành sẽ là lựa chọn để thích ứng.
Cái khó khăn, thách thức biết trước các khu vực này vừa phải cạnh tranh về giá thành và giá bán để duy trì hiệu quả mong đợi cho toàn chuỗi giá trị xuất khẩu nhưng chế biến các sản phẩm từ cây điều và sản phẩm gỗ xuất khẩu báo hiệu cơ hội mới khi không những phát huy được hiệu quả kinh tế hơn từ khai thác tối ưu toàn bộ các dòng sản phẩm từ cây điều và cây lấy gỗ cũng như đóng góp trực tiếp của các khu vực này vào Mục tiêu của Liên Hợp quốc năm 2021 về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh (COP26).
Chưa kể khu vực trồng và chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu, riêng Ngành điều của tỉnh Bình Phước được ước tính đóng góp lớn vào mục tiêu giảm thiểu phát thải của COP26 từ nguồn lợi từ khai thác dầu vỏ hạt điều tinh lọc ứng với 2500 tấn CO2 và hơn 15 triệu USD mỗi năm từ năm 2025. Lại một lần nữa các yếu tố này tạo sức hút lớn hơn cho cả đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước vào tỉnh để đưa Ngành chế biến các sản phẩm từ cây điều và cây lấy gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Phước lớn mạnh trở lại như Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đề cập trong Kết luận số 361-KL/TU ngày 25/6/2022.
Sở Công Thương tỉnh Bình Phước sẽ liên tục cập nhật cơ hội, phương án và giải pháp để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào chương trình phát triển ít nhất 3 CCN chuyên dành cho chế biến nông sản (chế biến hạt điều, trái cây,...) và chế biến gỗ (sản phẩm gỗ nội - ngoại thất, sản phẩm viên nén gỗ,...) này gắn với xuất khẩu nông sản của người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp của tỉnh./.