Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Bình Phước năm 2021 (DDCI) vừa được công bố lần đầu tiên, dựa trên kết quả khảo sát các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021. Theo đó, Sở Công Thương được xếp ở vị trí cạnh tranh cao thứ 10 (mức khá) trong tổng số 14 sở, ban ngành được đánh giá xếp hạng. Từ kết quả khảo sát, Sở được đánh giá ở 8 mặt cơ bản gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Chi phí không chính thức; Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý; Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động; và Vai trò của người đứng đầu Sở, ban, ngành.
Mục tiêu của Sở Công Thương tỉnh Bình Phước trong tình hình mới
Trong tình hình mới hiện nay, sự cạnh tranh gay gắt cả trong và ngoài nước kéo dài tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của địa phương và Sở Công Thương tỉnh lại phải vượt qua được các rào cản phi thương mại của các quốc gia, nhà nhập khẩu để hỗ trợ cộng đồng thích ứng và cạnh tranh hiệu quả nhất từ tiềm năng, lợi thế, thế mạnh của mỗi địa phương trong tỉnh. Tất cả đang đòi hỏi ngành Công Thương kiểm soát và phát huy vai trò đầu ngành ở địa phương trong việc mở cửa thị trường, tạo nhiều cơ hội sản xuất, thương mại và tiêu thụ trong nước thông qua các công cụ chính sách, cơ chế cho sự phát triển.
Khối lượng công việc lớn như vậy, nhưng trong nguồn lực và thời gian giới hạn phải phục vụ cộng đồng và góp phần vào thành công của tỉnh. Sự cạnh tranh giữa các sở, ban ngành, địa phương lúc này là rất cần thiết để khẳng định tính năng động, vai trò của người đứng đầu nhằm đóng góp chung vào công cuộc phát triển chung của tỉnh. Mỗi giải pháp dưới đây sẽ mong muốn tác động tốt nhất vào từng cộng đồng trên địa bàn tỉnh hàng ngày bằng những phương thức và công cụ khác nhau. Là một địa phương mạnh về nông sản, lâm sản, thực phẩm chế biến thì vai trò của ngành còn phải đảm bảo một nền sản xuất phát triển; cơ hội phát triển là bình đẳng và luôn mở rộng; tạo ra những sản phẩm cuối cùng an toàn, có lợi cho sức khỏe người dùng trong và ngoài nước; không ngừng sáng tạo để thêm giá trị cho cộng đồng và thêm cơ hội cho sự phát triển bền vững; sự bền vững phải đảm bảo bằng sự phát triển toàn diện, mỗi tác nhân trong chuỗi giá trị hàng hóa phải được truy xuất được;... Chính vì vậy, việc đo lường năng lực cạnh tranh của Sở Công Thương lại phải cần sự vào cuộc, ủng hộ tích cực nhất của cộng đồng địa phương.
Sở Công Thương tỉnh Bình Phước sẽ cơ cấu lại giải pháp ưu tiên, đưa ra chương trình cải thiện toàn diện hơn, với những kế hoạch cụ thể và hành động thiết thực hơn, hướng tới phục vụ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thông qua đa dạng kênh tương tác phù hợp trong tình hình mới. Trong đó: 1. Tính minh bạch và tiếp cận thông tin (được xếp cao thứ 9 trong 14 đơn vị sẽ được phấn đấu lên vị trí thứ 3 năm tiếp theo) Sở xác định khâu truyền thông sẽ là khâu quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay để cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của Sở; đồng thời các công cụ tương tác được phát huy sẽ giúp công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở nắm bắt được nhu cầu thiết thực của cộng đồng. Mọi thủ tục hành chính, thông tin của ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc mọi bổ sung, điều chỉnh đều được báo cáo UBND tỉnh; những thủ tục hành chính, thông tin công bố sẽ được đăng ký để công khai trên cổng chung của tỉnh và công cụ riêng của Sở đảm bảo không để sót thủ tục hành chính, thông tin của ngành cần thiết phải công bố. Công cụ hiện đại được xác định bao gồm website, sàn giao dịch điện tử (Sàn giao dịch nông sản tỉnh), các ứng dựng/modul tra cứu thông tin ngành, số hotline, nhóm Zalo; phương thức truyền thống gồm gặp gỡ định kỳ tháo gỡ khó khăn, tiếp công dân, sự kiện kết nối giao thương, thăm doanh nghiệp theo các chuyên đề phát triển; thành lập các tổ chuyên trách thông tin thị trường nông, lâm sản trong và ngoài nước để tương tác với cộng đồng về cơ hội phát triển ngành trên địa bàn. Từ các công cụ và cách tiệp cận như trên, thông tin về thị trường, cơ hội phát triển sẽ được Sở phân tích và tìm kiếm người sử dụng phù hợp cuối cùng trong cộng đồng để phát huy tính mới, kịp thời, và hiệu quả cho người sử dụng. Tăng tỷ lệ phản hồi của cộng đồng đối với việc khảo sát DDCI những năm tiếp theo một cách chân thực nhất, từ đó góp phần làm minh bạch chính đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của Sở. 2. Chi phí không chính thức (được xếp cao thứ 11 trong 14 đơn vị sẽ được phấn đấu lên vị trí thứ 5 năm tiếp theo) Thông tin của ngành được minh bạch hơn, cộng đồng doanh nghiệp và người dân được tiếp cận thông tin bình đẳng và dễ dàng hơn; cơ chế phản hồi, góp ý và tương tác với người đứng đầu hiệu quả hơn thì sẽ không còn cơ hội cho việc phát sinh chi phí không chính thức. Cơ chế quản lý, bố trí và sử dụng công chức, viên chức hiệu quả hơn; việc tuyên truyền, giáo dục tinh thần, thái độ phục vụ cộng đồng được lồng ghép định kỳ và thường xuyên vào các buổi sinh hoạt cơ quan, tổ chức, đoàn thể; và công tác thi đua nội bộ được triển khai để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực trong việc không phát sinh chi phí không chính thức. 3. Chi phí thời gian (được xếp cao thứ 10 trong 14 đơn vị sẽ được phấn đấu lên vị trí thứ 6 năm tiếp theo) Chi phí thời gian được Sở khai thác cả chiều không gian để giảm bới chi phí đi lại, tương tác giữa các bên có liên quan với cộng đồng doanh nghiệp và người dân ở địa bàn xa xôi; kết nối giao thương trong tỉnh với ngoài tỉnh và với thị trường nước ngoài để giảm thiểu chi phí, phát huy hiệu quả cơ hội giao thương; cả chiều thời gian để hoàn thành mỗi nhu cầu của cộng đồng thông qua các công cụ và phương tiện nêu trên, với phương thức giao và nhận kết quả điện tử, hạn chế tối đa việc in ấn, tra cứu, xác nhận bằng việc liên thông thông tin, xác thực số. Đồng thời Sở chủ động trong việc hỗ trợ cộng đồng rút ngắn thời gian tìm hiểu, tra cứu các cơ hội phát triển ngành hàng, lĩnh vực, hoạt động trong ngành; chủ động tìm kiếm người sử dụng cuối cùng trong cộng đồng các thông tin, cơ hội để mở rộng và phát triển ngành. 4. Cạnh tranh bình đẳng (được xếp cao thứ 8 trong 14 đơn vị sẽ được phấn đấu lên vị trí thứ 8 năm tiếp theo) Sở chú trọng việc tiếp cận cơ hội của cộng đồng trên địa bàn một cách bình đẳng thông qua các công cụ và phương tiện nêu trên; mỗi địa điểm đầu tư được công khai và lựa chọn bình đẳng theo quy định của pháp luật; mỗi nội dung được giải quyết tối đa và tốc độ và chất lượng theo thông tin đã công khai và cộng đồng có thể tra cứu lẫn nhau. Tất cả nhằm đảm bảo việc cạnh tranh là bình đẳng, góp phần xây dựng môi trường đầu tư của tỉnh hấp dẫn và cạnh tranh nhất. 5. Hỗ trợ doanh nghiệp (được xếp cao thứ 14 trong 14 đơn vị sẽ được phấn đấu lên vị trí thứ 4 năm tiếp theo) Hỗ trợ doanh nghiệp được Sở ưu tiên hàng đầu, vừa hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư đầu tư hiệu quả vào tỉnh; vừa hỗ trợ cộng đồng trong tỉnh khai thác tối đa cơ hội phát triển, giao thương từ bên ngoài. Mỗi ngành hàng, lĩnh vực, sản phẩm được Sở xây dựng chương trình, kế hoạch hành động đảm bảo toàn diện, chi tiết và triển khai hiệu quả cho cả khu vực công và tư nhân. Kêu gọi hợp tác trong và ngoài nước có lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương và cộng đồng với nguồn lực được khai thác tối ưu, chi phí gắn với hiệu quả, từng bước đảm bảo sự phát triển ngành bền vững. Tăng cường làm việc với các địa phương trong tỉnh, các phòng chuyên môn cấp huyện; các sở, ban ngành và các đơn vị có liên quan trong và ngoài tỉnh để nắm bắt thông tin của ngành một cách hiệu quả nhất từ đó nhất quán và hiệu quả trong việc hỗ trợ cộng đồng. Lãnh đạo được tiếp cận chỉ đạo trực tiếp từ cấp trên, sẽ luôn có sự đồng hành của cấp dưới và sự chia sẻ trực tiếp để đảm bảo tính nhất quán, chính xác, và kế thừa phát triển nguồn nhân lực chủ chốt. Việc hỗ trợ cho doanh nghiệp có tốt, phải đồng hành bằng sự hỗ trợ cho bộ máy cơ quan, đơn vị phát triển hiệu quả. 6. Thiết chế pháp lý (được xếp cao thứ 7 trong 14 đơn vị sẽ được phấn đấu lên vị trí thứ 7 năm tiếp theo) Cùng với các thông tin, cơ hội phát triển ngành trên địa bàn được công khai như trên; thì các căn cứ, tham chiếu pháp lý có liên quan cũng được công khai để tiếp nhận, lắng nghe những đóng góp của cộng đồng. Các căn cứ không còn phù hợp trong thực tiễn, hoặc không phát huy tối đa hiệu quả đối với quá trình quản lý và phát triển ngành sẽ liên tục được Sở rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền thay thế, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với trình độ phát triển của địa phương và cộng đồng. 7. Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động (được xếp cao thứ 5 trong 14 đơn vị sẽ được phấn đấu lên vị trí thứ 2 năm tiếp theo), và Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả trong tư duy, chỉ đạo, điều hành hoạt động tại các cơ quan, đơn vị được đặt lên hàng đầu. Lấy quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm để giải quyết mục tiêu và nhiệm vụ của ngành bằng công cụ quản lý hữu hiệu của nhà nước cùng với tính năng động, sáng tạo và hiệu quả của người đứng đầu. Không làm giảm sự uy nghiêm của nhà nước và pháp luật, không ảnh hưởng đến uy tín và năng lực của đơn vị, nhưng phát huy hiệu quả bền vững của ngành và lợi ích chung của cộng đồng. Tính năng động, sáng tạo được thể hiện qua những nội dung giải pháp chủ động, tích cực và cụ thể được đề cập trong các nội dung này. 8. Vai trò của người đứng đầu Sở, ban, ngành (được xếp cao thứ 6 trong 14 đơn vị sẽ được phấn đấu lên vị trí thứ 1 năm tiếp theo) Một lần nữa, lãnh đạo Sở khẳng định vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị của Sở đối với cộng đồng về những định hướng, chương trình, kế hoạch cụ thể nêu trên. Phấn đấu giải quyết trước và đúng hạn đối với mọi nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính đã được công bố, công khai và phát huy tính tương tác tốt nhất với cộng đồng để làm hài lòng người dân và doanh nghiệp tham gia phát triển ngành. Sự ủng hộ người đứng đầu của cộng đồng qua các kênh góp ý, phản hồi nêu trên sẽ làm căn cứ xem xét, soi rọi bản thân người đứng đầu nhằm làm tốt hơn nữa chức trách, nhiệm vụ được giao ngoài tác phong, lề lối làm việc của công chức, viên chức và người lao động được quy định. Với vai trò của người đứng đầu sẽ tự tin, mạnh dạn quảng bá mạnh mẽ về sự phát triển của địa phương; cơ hội cho cộng đồng ra bên ngoài và thu hút cơ hội từ bên ngoài phục vụ địa phương.
Cuối cùng thì nỗ lực của cơ quan, đơn vị thuộc Sở trong việc cạnh tranh phải có sự chia sẻ, trao đổi, học hỏi với các sở, ban ngành trong tỉnh để đảm bảo xây dựng một tỉnh Bình Phước giàu mạnh, cạnh tranh và phát triển hiện đại trong con mắt của cộng đồng địa phương và bạn bè trong và ngoài nước./.